Nhà tù Hỏa Lò hay Ngục Hỏa Lò do thực dân Pháp xây dựng nhằm bắt giữ và tra tấn các chiến sĩ, nhà lãnh đạo yêu nước. Sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng, nhà tù được bảo tồn và phục dựng trở thành địa điểm tham quan độc đáo của Thủ đô. Hãy tiếp tục theo dõi bài viết để khám phá thêm những câu chuyện liên quan đến chốn địa ngục trần gian này.
Nhà tù Hỏa Lò – một trong những di tích lịch sử nổi tiếng tại Hà Nội, là nơi chứng kiến chuỗi ngày đầy gian khổ của hàng ngàn chiến sĩ Việt Nam đã trải qua trong thời kỳ đánh đuổi thực dân Pháp. Nếu có dịp du lịch Hà Nội, bạn đừng quên ghé qua đây để tưởng niệm những anh hùng đã hy sinh cho tự do dân tộc.
1. Nhà tù Hỏa Lò ở đâu? Hướng dẫn đường đi
- Địa chỉ: số 1, Kp. Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ngục Hỏa Lò được đặt tại phố Hỏa Lò, nằm trong khu vực trung tâm của quận Hoàn Kiếm và gần với nhiều điểm du lịch nổi tiếng. Bạn có thể đến thăm nơi này bằng nhiều loại phương tiện, bao gồm cả phương tiện cá nhân và công cộng.
Nếu xuất phát từ khu vực Hồ Hoàn Kiếm, bạn có thể đi theo đường Lê Thái Tổ hướng Hàng Trống và đi thẳng qua đường Bà Triệu. Tiếp đó, bạn rẽ phải để vào đường Hai Bà Trưng, đi thêm khoảng 500m và rẽ trái vào phố Hỏa Lò. Ngục Hỏa Lò sẽ nằm ở số 1 trên con phố này.
Trường hợp bạn muốn tiết kiệm chi phí đi lại thì xe buýt là lựa chọn hàng đầu. Bạn có thể bắt xe tuyến số 32, 02, 38 và 41, có trạm dừng gần nhà tù Hỏa Lò để thuận tiện cho việc di chuyển.
2. Di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò mở cửa khi nào, giá vé bao nhiêu?
Nhà tù Hỏa Lò bắt đầu mở cửa từ 8:00 – 17:00 tất cả các ngày trong tuần (kể cả ngày Lễ, Tết).
Vé vào nhà tù Hỏa Lò là 30.000 VNĐ/người. Một số đối tượng đặc biệt sẽ được miễn phí hoặc giảm giá vé, cụ thể như sau:
- Những trường hợp được miễn phí vé:
+ Trẻ em độ tuổi dưới 15.
+ Đối tượng bị khuyết tật trong diện đặc biệt nặng.
+ Là thành viên của: hội cựu chiến binh, Ban Liên lạc nhà tù trong cả nước và ban liên lạc kháng chiến.
+ Đối tượng có công với cách mạng.
- Những trường hợp được giảm 50% giá vé;
+ Học sinh và sinh viên (Xuất trình thẻ học sinh/sinh viên khi mua vé).
+ Đối tượng bị khuyết tật thuộc diện nặng.
+ Người dân có quốc tịch Việt Nam, độ tuổi từ 60.
+ Đối tượng được xếp vào diện chính sách xã hội.
Ngoài ra, ở Hỏa Lò còn cung cấp dịch vụ thuyết minh bằng tai nghe với giá là 50.000 VNĐ/headphone.
3. Những điều cần biết về di tích nhà tù Hỏa Lò
3.1. Lịch sử nhà tù Hỏa Lò
Để đối phó với các phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã tăng cường bộ máy đàn áp bằng cách bổ sung lực lượng cảnh sát, hoàn chỉnh hệ thống tòa án và xây dựng mạng lưới nhà tù. Vào năm 1896, trên đất làng Phụ Khánh thuộc tổng Vĩnh Xương, H. Thọ Xương, TP. Hà Nội, thực dân Pháp đã xây dựng nhà tù Hỏa Lò – một trong những nhà tù lớn nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương.
Mảnh đất Hỏa Lò trước đây từng là một làng nghề thủ công làm đồ gốm nổi tiếng. Tuy nhiên, thực dân Pháp đã biến nó thành nơi giam giữ, đày ải, cướp đoạt tự do cả thể xác và tinh thần hàng ngàn chiến sĩ yêu nước, nhà hoạt động cách mạng Việt Nam.
Dù sống trong một môi trường giam cầm khắc nghiệt nhưng các chiến sĩ vẫn kiên trung và giữ vững tinh thần cách mạng. Họ biến nhà tù Hỏa Lò thành trường học, nơi phổ biến lý luận cách mạng và nhiều người đã mưu trí vượt ngục trở về với nhân dân và tổ chức, tiếp tục góp sức vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Có nhiều nhân vật lãnh đạo đã bị thực dân Pháp bắt giữ tại nhà tù Hỏa Lò, trong đó có những tên tuổi nổi bật như Phan Bội Châu, Nguyễn Quyền, Nguyễn Lương Bằng, Lương Văn Can, Hồ Tùng Mậu… Ngoài ra, còn có năm đồng chí Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam là Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Trường Chinh, Đỗ Mười và Nguyễn Văn Linh.
Sau khi miền Bắc Việt Nam giành được độc lập, Chính phủ Việt Nam đã tiếp quản và tạm thời sử dụng nhà tù Hỏa Lò làm nơi giam giữ các đối tượng vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, từ ngày 05/8/1964 – 31/3/1973, nhà tù Hỏa Lò còn được sử dụng để bắt giữ phi công Mỹ bị bắn rơi khi đang thực hiện nhiệm vụ ném bom tại miền Bắc Việt Nam.
Vào năm 1993, Chính phủ Việt Nam đã quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng của nhà tù Hỏa Lò nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của Thủ đô. Một phần phía Đông Nam của nhà tù được bảo tồn, tu bổ và tôn tạo để được xếp hạng là Di tích lịch sử của Hà Nội. Địa điểm du lịch Hà Nội này hiện có Đài tưởng niệm các chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam, những người đã dũng cảm hy sinh tại nhà tù vì sự độc lập, tự do của dân tộc.
3.2. Máy chém khổng lồ – nỗi khiếp đảm của mọi tù nhân
Bên trong nhà tù Hỏa Lò có đặt một máy chém. Đây là công cụ giết người được tạo ra bởi bác sĩ người Pháp Guilotane, được xem là một phương tiện giết người mang tính nhân đạo nhằm thay thế các hình thức xử tử thời trung cổ như ngựa xé, tùng xẻo…
Máy chém bao gồm các bộ phận chính như sau:
- Bàn chém là một mặt phẳng được làm bằng gỗ, trong quá trình hành hình tù nhân sẽ nằm trên đó, phần đầu được đưa vào lỗ tròn trên thân máy chém.
- Giá chém là một khung sắt cao gần 4 mét, bên trong có rãnh để dao chém di chuyển và hoạt động.
- Dao chém làm bằng thép với phần lưỡi vát chéo.
Khi hành hình tù nhân, đao phủ sẽ nhấn chốt và kéo sợi dây thừng để dao chém từ trên cao phóng mạnh xuống, lực rơi của lưỡi dao tương đương 60kg. Kế tiếp, đầu của tù nhân sẽ rơi xuống thùng tôn bên dưới, còn thân được đưa vào trong sọt mây.
3.3. Cây bàng “tình nghĩa” – minh chứng lịch sử
Theo như lời kể của một số cựu tù chính trị tại nhà tù Hỏa Lò, nguồn gốc của cây bàng bắt đầu từ trước năm 1930, khi những tù nhân bị kết án phải đi lao động vệ sinh bên tòa án. Họ đã thu thập những cây bàng mọc hoang trên các lùm cỏ và mang về trồng chúng trong sân của trại giam. Sau một thời gian, cây bàng đã lớn lên và trở nên gắn bó với nhiều thế hệ tù chính trị tại đây.
Mỗi khi được ra ngoài, các tù nhân chính trị sẽ tập trung quanh cây bàng để vừa tận hưởng không khí trong lành vừa cùng nhau bàn bạc về những biện pháp chống lại chế độ tù đày của thực dân.
Gốc cây Bàng đã trở thành nơi chứng kiến cuộc sống thường nhật, lắng nghe lời chia sẻ, tâm tình về ước mơ, mục tiêu, lý tưởng và tình cảm của những người công sản. Bên cạnh đó, nó còn là một “hòm thư bí mật” quan trọng để các tù nhân trao đổi thông tin, tuyên truyền tài liệu cách mạng.
3.4. Cachot (khu ngục tối) – địa ngục của địa ngục
Khu cachot là những ngục tối có diện tích chỉ vỏn vẹn 4m2 với phần tường quét sơn màu đen âm u. Nơi này không có ánh sáng và thiếu không khí, gây cho tù nhân cảm giác như mình đang ở trong một nấm mồ vô cùng bí bách.
Chỗ nằm của tù nhân được xây bằng xi măng đặc biệt, khi nằm thì đầu dốc xuống thấp, gây ra hiện tượng máu dồn lên não. Chúng dùng cachot nhằm trừng phạt những người đã tổ chức đấu tranh, tuyên truyền cách mạng hay vượt ngục. Đồng chí Trường Chinh cũng đã từng bị bắt giam ở đây khi tổ chức mít tinh trong tù để kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động.
4. Tham quan nhà tù Hỏa Lò theo tour
Đến với nhà tù Hỏa Lò, du khách có thể chọn các tour tham quan trong ngày hoặc ban đêm tùy theo quỹ thời gian cho phép và sở thích của mình. Mỗi tour sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm đặc biệt riêng, vì vậy, nếu có cơ hội bạn có thể đăng ký cả hai tour để có góc nhìn đa chiều hơn về điểm đến nổi tiếng này.
4.1. Tour ban ngày Ngục Hỏa Lò
Các tour tham quan trong ngày tại Nhà tù Hỏa Lò có giá vé chỉ 30.000 đồng/người. Sau khi mua vé, du khách có thể thuê bộ đàm kèm tai nghe để nghe thuyết minh, trích dẫn lời kể của những nhân vật từng bị giam giữ trong nhà tù này. Ngoài ra, tại mỗi phòng trưng bày và mỗi vật dụng cũng có các tấm biển cung cấp thông tin chi tiết cho du khách.
Bắt đầu tour, du khách sẽ được tham quan từng khu vực của nhà tù từ lúc có ánh sáng le lói cho đến khi hoàn toàn chìm vào bóng tối. Các hiện vật của tù nhân được trưng bày như đồ dùng, quần áo khi kết hợp với lời thuyết minh chắc chắn sẽ khiến du khách cảm thấy “rợn tóc gáy” trước sự tàn bạo của thực dân Pháp.
4.2. Tour đêm nhà tù Hỏa Lò
Để giúp người dân và khách du lịch nước ngoài hiểu rõ hơn về sự đau thương trong những cuộc chiến tranh ở Việt Nam, di tích nhà tù Hoả Lò đã tổ chức tour đêm với chủ đề “Đêm Thiêng Liêng”.
Bằng cách kết hợp âm thanh, ánh sáng và nghệ thuật diễn xuất của các diễn viên, nhà tù Hỏa Lò đem đến cho du khách trải nghiệm cực kỳ chân thật và sống động về khoảng thời gian đấu tranh oanh liệt của các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để đem lại hòa bình và dân chủ cho đất nước.
Ngoài việc mang lại trải nghiệm thị giác và thính giác hấp dẫn, nhân viên di tích nhà tù Hỏa Lò còn chuẩn bị các món quà lưu niệm như trà, chè, bánh và thạch bàng, được làm từ cây bàng cuối cùng còn lại trong nhà tù để tặng du khách tham gia tour.
Giá vé tour đêm nhà tù Hỏa Lò là 300.000 VNĐ/ người, ban tổ chức sẽ ghi lại hình ảnh để cả đoàn có thể xem lại bất cứ khi nào muốn.
6. Kinh nghiệm tham quan di tích lịch sử Ngục Hỏa Lò
Để có một chuyến đi suôn sẻ, hãy ghi nhớ những lưu ý và kinh nghiệm hữu ích dưới đây:
- Chỉ nên mang các vật dụng cần thiết, gọn nhẹ. Không mang các chất có khả năng gây cháy nổ vào nhà tù. Trước khi vào bên trong, bạn nên gửi hành lý cồng kềnh ở đúng nơi quy định.
- Khi tham quan di tích, không hút thuốc lá, hành xử văn minh, lịch sự, không nói quá to và không di chuyển các hiện vật đã được sắp đặt.
- Nếu bạn muốn thắp hương và đặt hoa, hãy chỉ thực hiện ở khu vực nhà tưởng niệm.
- Dù cuối tuần thường đông người, bạn không phải lo lắng đặt vé trước vì có thể dễ dàng mua vé ngay tại cổng vào. Nếu muốn thuê hướng dẫn viên thì bạn cần hẹn lịch trước.
- Nếu bạn đi tham quan với đoàn đông hoặc có mục đích tìm hiểu, nghiên cứu, bạn nên liên hệ trước với ban quản lý để được hỗ trợ chuẩn bị.
Nhà tù Hỏa Lò không chỉ là điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước mà nơi này còn được xem như một kho tàng tài liệu quý giá, để thế hệ sau hiểu rõ hơn về quá khứ khổ đau cùng những nỗ lực, sự hy sinh của các anh hùng dân tộc trong cuộc chiến giành lại độc lập chủ quyền cho đất nước.